Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đã góp phần làm khởi sắc diện mạo Quảng Bình, biến vùng đất nắng gió miền Trung trở thành điểm sáng trong làn sóng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư.
Chiến lược đầu tư hạ tầng trọng điểm
Hiện nay, Quảng Bình là một trong số ít các tỉnh có mạng lưới giao thông 5 loại hình kết nối liên hoàn. Cơ sở hạ tầng đối ngoại của Quảng Bình trong những năm qua đã phát triển khá ấn tượng với Cảng hàng không Đồng Hới nằm trong nội đô và các trục giao thông huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc – Nam, tuyến ven biển, đường Hồ Chí Minh…
Nếu chia trung bình theo diện tích bề ngang của Quảng Bình là 50km, thì cứ 10km lại có một tuyến đường tầm quốc gia có liên kết khu vực được đầu tư xây dựng. Vị trí địa lý cửa ngõ đặc biệt này đang mang đến nhiều cơ hội để Quảng Bình bước vào thời kỳ phát triển thăng hoa nhất từ trước tới nay.
Hệ thống hạ tầng phát triển ấn tượng tại Quảng Bình
Với quy hoạch hạ tầng đối nội, Quảng Bình cũng không ngừng hoàn thiện đồng bộ từng ngày. Ngay đầu năm 2022, Quảng Bình đã khởi công xây dựng đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy). Tổng chiều dài đường ven biển và cầu là 85,4 km vốn đầu tư 2.197 tỉ đồng, tạo nên mạng lưới giao thông đô thị liên hoàn giữa các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…
Mới đây nhất, dự án tuyến đường sắt nối thủ đô Viêng Chăn, Lào với cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) qua Cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) cũng đang được Chính phủ Lào dự kiến khởi công vào tháng 11/2022. Đây là dự án giao thông trọng điểm được Chính phủ Việt Nam – Lào đồng ý phát triển có tổng chiều dài khoảng 400km với tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.
Sắp tới, Quảng Bình cũng tiếp tục lên kế hoạch triển khai đầu tư nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới trong năm 2022 nhằm đạt mục tiêu đón 3 triệu khách/năm, mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên Quốc lộ 1A; bổ sung vốn cho Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3…
Với quy hoạch xây dựng hạ tầng cụ thể và bền vững, Quảng Bình đang tạo thế phát triển đa chiều kết nối liền mạch với các địa phương lân cận.
Đón đầu dòng giao thương
Nhờ sự đồng bộ, liên kết và liên hoàn hạ tầng, Quảng Bình đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Một số dự án quy mô nổi bật trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng gồm: đại đô thị biển nghỉ dưỡng, giải trí gần 2000ha của Tập đoàn FLC ven biển 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh; khu nghỉ dưỡng Pullman; Mövenpick; TMS Resort; Sandy Hills; Melia; Wyndham…
Các dự án đã và đang từng bước góp phần giúp địa phương phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế khác biệt về tài nguyên để phát triển du lịch.
Quy hoạch dự án FLC Quảng Bình trên quy mô gần 2.000ha ven biển
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 vừa được tổ chức tại TPHCM, Lãnh đạo Quảng Bình cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch với các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ… để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến với Quảng Bình.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng vừa phê duyệt danh mục gần 60 dự án đầu tư ở 23 các lĩnh vực tiềm năng giai đoạn 2022 – 2024, hứa hẹn một bức tranh kinh tế năng động của Quảng Bình trong giai đoạn phát triển mới.
Đối với du lịch nghỉ dưỡng giai đoạn 2022-2024, Quảng Bình nổi bật với một số dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn như: Dự án 280 ha tại Bàu Sen, huyện Lệ Thủy; dự án 180 ha tại xã Gia Ninh, xã Hồng Thủy; dự án 150ha tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch; Dự án 137ha tại xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa…
Hạ tầng đồng bộ, chính sách trải thảm đỏ là động lực quan trọng để các nhà đầu tư tên tuổi tìm đến với vương quốc hang động. Các dự án nghìn tỷ được hiện thực hóa từng ngày đang mang lại kì vọng về một kỷ nguyên bứt phá mới cho Quảng Bình.
Xem toàn bộ thư viện
Xem toàn bộ thư viện