“FLC đã có bề dày kinh nghiệm hoàn thành các quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn ha trong thời gian ngắn với chất lượng tốt. Do đó, thời gian 9 tháng cho dự án nhà ga T3 là hoàn toàn khả thi với chúng tôi”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nói.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC
Sự tham gia của tư nhân là nhu cầu tất yếu
Doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không đang là một vấn đề rất được quan tâm. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?
Thị trường hàng không Việt Nam đang là một trong những thị trường phát triển “nóng” nhất thế giới, trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước ngày càng hạn chế. Do đó, việc tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng hàng không là một nhu cầu tất yếu.
Không chỉ bổ sung về nguồn vốn, các doanh nghiệp tư nhân còn giúp chia sẻ rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động cho các hạ tầng này, bởi chúng ta đều biết tư nhân thường rất đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, trong tất cả các mặt hoạt động.
Trước đây, ông từng có ý định đầu tư vào hạ tầng hàng không. Sau khi Bamboo Airways cất cánh thành công, kế hoạch này đang được xúc tiến như thế nào?
Chúng tôi luôn mong muốn đầu tư vào hạ tầng hàng không, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, cũng như các địa phương có nhu cầu vận chuyển lớn với tốc độ tăng trưởng ấn tượng về du lịch như Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình…
Ví dụ như cảng hàng không Thọ Xuân tại Thanh Hóa, là một sân bay rất tiềm năng. Thanh Hóa có dân số đứng thứ 3 cả nước, tốc độ tăng trưởng trung bình về du khách trong 5 năm trở lại đây tăng 22,6%, chưa kể các “đầu tàu” về kinh tế như khu kinh tế Nghi Sơn hay khu công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng… Do vậy việc có một sân bay quốc tế nhằm cung cấp các dịch vụ hàng không dân dụng là rất cần thiết.
Cảng hàng không này đã được chấp thuận nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế và nếu có chủ trương, chúng tôi sẵn sàng tham gia đầu tư tại đây, cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước.
Quan điểm của chúng tôi là muốn phát triển hàng không thì phải chuẩn bị đầy đủ từ hạ tầng, cho đến kỹ thuật, nhân lực, và FLC sẽ tham gia phát triển đồng bộ các lĩnh vực này, chứ không chỉ vận hành hãng hàng không Bamboo Airways riêng lẻ.
Trước mắt, chúng tôi đã đề xuất đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực dịch vụ, như khu phức hợp dịch vụ hàng không tại sân bay Thọ Xuân, trong đó có một hợp phần quan trọng là khu dịch vụ cảng hàng không bao gồm nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; học viện đào tạo kỹ thuật, tiếp viên. Một khu khác là trung tâm bảo hành – bảo dưỡng quy mô lớn dự kiến đặt tại Vân Đồn, Quảng Ninh.
Khác biệt lớn nhất là tiến độ
Theo ông, tư nhân tham gia đầu tư xây dựng sân bay thì sẽ khác gì so với nhà nước?
Khác biệt lớn nhất là tiến độ. Với doanh nghiệp tư nhân, thời gian là tiền bạc. Cho nên, nếu dự án kéo dài hơn so với kế hoạch thì tổng mức đầu tư phải gia tăng và đồng nghĩa với thiệt hại lớn về kinh tế.
Với một cảng hàng không đang rất được quan tâm hiện nay là sân bay Long Thành, theo một chuyên gia, nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay này có thể tăng lên 10 tỉ USD thay vì 5,4 tỉ USD như dự tính hiện nay.
Để tránh những thiệt hại kiểu này, doanh nghiệp tư nhân luôn phải có những giải pháp linh hoạt trong kiểm soát dòng vốn và các phương án thi công để vừa nhanh, vừa đạt hiệu quả chất lượng cao nhất.
Trong thời gian chờ đợi sân bay Long Thành khởi công, một dự án đang được truyền thông nhắc nhiều về tiến độ là kế hoạch mở rộng, xây dựng nhà ga T3 cho Tân Sơn Nhất. Với dự án này, Tập đoàn FLC cũng sẵn sàng tham gia đầu tư, và chúng tôi cam kết nếu được chấp thuận đầu tư, dự án có thể hoàn thành trong thời gian 9 tháng.
Tuy nhiên theo kế hoạch đã đề ra, nhà ga T3 dự kiến khởi công vào quý 3/2020, có thể bắt đầu khai thác từ quý 2/2022 nếu bảo đảm tiến độ, tức là phải mất khoảng 2 năm?
FLC đã có bề dày kinh nghiệm thi công và hoàn thành các quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn ha trong thời gian ngắn với chất lượng tốt.
Ví dụ, quần thể FLC Sầm Sơn hơn 200 ha, chúng tôi xây trong 9 tháng, còn quần thể FLC Quy Nhơn, tổng diện tích 1.300 ha nhưng thời gian hoàn thiện đầy đủ các hạng mục từ khách sạn 5 sao gần 1.000 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, sân golf 36 hố tiêu chuẩn quốc tế… chỉ mất 11 tháng, từ lúc khởi công cho đến khai trương.
Do đó, thời gian 9 tháng cho dự án nhà ga T3 là hoàn toàn khả thi với chúng tôi, đặc biệt với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhà thầu, đối tác trong nước và quốc tế uy tín, giàu kinh nghiệm mà FLC đang sở hữu thông qua Công ty Xây dựng FLC Faros.
Nhà ga T3 sẽ có công suất 20 triệu lượt khách/năm, diện tích khoảng 100.000m2, xây trên khu đất 16,37ha đã được Bộ Quốc phòng bàn giao, cùng với một số công trình phụ trợ khác, có tổng mức đầu tư khoảng 11.659 tỉ đồng.
Nếu việc đầu tư được triển khai thực hiện thì sau khi mở rộng nhà ga T3, công suất cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ lên đến 45-50 triệu lượt khách/năm so với công suất 36 triệu lượt khách/năm vào cuối năm 2017. |
Xem toàn bộ thư viện
Xem toàn bộ thư viện