“Tôi tin vé đường bay thẳng Hà Nội – Tel Aviv sẽ bán rất chạy tại Israel, và chính tôi cũng sẽ là một trong những hành khách mua vé đầu tiên”, Đại sứ Nadav Eshcar nói.
Đại sứ Nadav Eshcar cho rằng đường bay thẳng Việt Nam – Israel trong thời điểm hiện nay là cần thiết.
Dư địa lớn
Nhiều thống kê hiện tại cho thấy mức chi phí du khách Israel sẵn sàng trả cho các chuyến bay đến Châu Á khoảng 900 – 1.300 USD, tương đương từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Lưu lượng khách tiềm năng người Israel là rất lớn, khi người dân nước này thực hiện khoảng 4 triệu chuyến du lịch mỗi năm, tính trung bình mỗi người có thời gian đi du lịch nước ngoài từ 4 đến 10 ngày.
Israel cũng được xác định là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam. Năm 2018, khoảng 32.000 người Israel đến Việt Nam bằng đường hàng không, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng đến 40% so với năm 2016.
Vào năm 2006, Việt Nam và Israel đã ký kết thỏa thuận vận tải hàng không, tạo điều kiện thuận lợi để các hãng hàng không khai thác đường bay thường lệ giữa hai nước.
Đại sứ Nadav Eshcar khẳng định sẽ hỗ trợ mọi mặt và công bằng tất cả các đơn vị đang triển khai xúc tiến đường bay thẳng giữa hai nước.
Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, việc chưa có đường bay thẳng giữa Việt Nam và Israel khiến hành khách muốn di chuyển phải bay nối chuyến của các hãng hàng không nước ngoài, qua 1 đến 2 điểm trung chuyển, với tổng thời gian di chuyển khoảng từ 15 tiếng, cá biệt có hành trình lên tới 47 tiếng.
Điều này gây nhiều khó khăn cho du khách Israel bởi đa phần người dân Israel đi du lịch bằng máy bay, trong khi xu hướng tận hưởng những kỳ nghỉ tại Châu Á của người Israel đang phát triển ngày một mạnh mẽ.
Hiện Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không tại Việt Nam trên nhiều phương diện, bao gồm các quy trình thủ tục, chính sách visa. “Các vấn đề về cơ chế, chính sách hiện đang được lên kế hoạch cụ thể. Bên cạnh việc đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trước và trong quá trình bay thường lệ, Đại sứ quán dự kiến sẽ gia tăng ngân sách để phục vụ việc quảng bá sâu rộng đường bay này tới đông đảo người dân”, Đại sứ Nadav Eshcar nói.
Chính phủ Israel cũng đang có những mức phí hỗ trợ cho các hãng bay đến Israel với tần suất 1 chuyến/tuần là 250.000 euro, 500.000 euro cho tần suất 2 chuyến/tuần,…
Tháng 9/2019, hãng hàng không Israel EI AI Airlines đã triển khai thử nghiệm đường bay thuê chuyến tới Tokyo, và nhu cầu vượt dự kiến ở mức độ áp đảo. Chỉ một tuần sau đó, EI AI Airlines đã quyết định chuyển đường bay này thành thường lệ, và hiện đây là một đường bay mang lại doanh thu lớn cho họ, Đại sứ Nadav Eshcar cho biết.
Nỗ lực của hãng hàng không Việt
Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết, hầu hết hành khách muốn bay thẳng từ Việt Nam đến Israel hơn là bay quá cảnh (transit), bởi bay quá cảnh rất mất thời gian, công sức và cả tiền bạc.
Ông cho rằng, đường bay thẳng Việt Nam – Israel trong thời điểm hiện nay là cần thiết. “Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu giao thương, di chuyển của người dân hai nước, không chỉ dừng lại ở du lịch, mà sự giao lưu nhân dân còn mở ra nhiều cơ hội, sự kết nối mới trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình hợp tác song phương toàn diện”, Đại sứ nói.
Giai đoạn khởi đầu, Bamboo Airways dự kiến bay thẳng Hà Nội – Tel Aviv với tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần.
Về phía các hãng hàng không Việt Nam, ý tưởng về đường bay thẳng Việt Nam – Israel đang được một số hãng nghiên cứu xúc tiến.
“Thị trường Trung Đông bao gồm Israel là một trong những thị trường tiềm năng nhưng còn phần nào bị để ngỏ vì nhiều lý do. Hiện Bamboo Airways đang nghiêm túc nghiên cứu, thăm dò và triển khai những bước chuẩn bị đầu tiên để xúc tiến hiện thực hóa ý tưởng về đường bay thẳng đầu tiên kết nối Việt Nam – Israel”, PTGĐ Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho biết.
Ông cho biết thêm, Bamboo Airways đang rốt ráo đẩy mạnh hoạt động trao đổi, đàm phán và xúc tiến hợp tác với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, Cục hàng không Việt Nam, các cảng hàng không tại Israel… để nhanh chóng triển khai hoạt động khai thác đường bay thẳng kết nối Hà Nội – Tel Aviv, là thành phố đông người Việt Nam cư trú tại Israel bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, kỳ vọng sớm nhất là ngay trong quý 2/2020.
Giai đoạn khởi đầu, Bamboo Airways dự kiến bay thẳng Hà Nội – Tel Aviv với tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần, sau đó tăng dần theo thực tế lưu lượng khách. Sau khi đường bay được đưa vào khai thác, thời gian bay từ Việt Nam đến Israel dự kiến sẽ giảm khoảng 40 – 80%, rút ngắn xuống còn 9 tiếng.
Đánh giá cao nỗ lực các hãng hàng không Việt Nam, Đại sứ Nadav Eshcar khẳng định sẽ hỗ trợ mọi mặt và công bằng tất cả các đơn vị đang triển khai xúc tiến đường bay thẳng.
“Theo quan điểm của tôi, Bamboo Airways hiện là hãng hàng không Việt Nam phù hợp nhất cho việc xúc tiến mở đường bay thẳng Việt Nam – Israel”, ông nhận định, lý giải rằng trở ngại lớn nhất hiện tại của mọi hãng là vấn đề thủ tục phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí.
Với trường hợp của Bamboo Airways, Đại sứ nhìn nhận, đây là hãng hàng không có sự phát triển vượt bậc, chỉ trong vòng 10 tháng bay đã kết nối thành công 30 đường bay trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ cao ở mọi khâu.
Đặc biệt, mô hình hãng hàng không tư nhân cho phép Bamboo Airways tự chủ trong điều động nguồn lực, xây dựng kế hoạch kinh doanh, từ đó rút ngắn đáng kể vấn đề về thủ tục, quy trình với những chặng bay mở mới.
“Tôi đã bay Bamboo Airways cả khi đi công tác và đi du lịch cùng gia đình, và ấn tượng với dịch vụ chất lượng định hướng 5 sao mà Hãng đem đến cho khách hàng. Bamboo Airways hiện đang nằm trong danh sách Hãng hàng không ưa thích của tôi. Tôi hy vọng Bamboo Airways sẽ tiếp tục duy trì và phát huy được thế mạnh này trong tương lai”, vị Đại sứ nhận định khi nói về Bamboo Airways.
Xem toàn bộ thư viện
Xem toàn bộ thư viện