Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Search in posts
Search in pages
Sắp diễn ra Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung tại Quy Nhơn
18:07 14/08/19
Trở lại danh sách tin tức

Giàu tiềm năng nhưng thiếu liên kết, bài toán thách thức của du lịch miền Trung tồn tại trong nhiều năm nay sẽ được “mổ xẻ” chi tiết nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển trong khuôn khổ Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung lần đầu tiên tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, quần thể du lịch FLC Quy Nhơn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Dự kiến diễn ra vào ngày 20/8/2019, Hội nghị có sự tham dự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tổ chức bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nội dung Hội nghị xoay quanh báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng miền Trung, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2016 – 2018 và quý II/2019, xác định những vấn đề tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, đề xuất giải pháp phát triển bền vững toàn vùng. Đáng chú ý, Hội nghị cũng sẽ đề cập đến thực trạng, giải pháp để phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiềm năng lớn

Là mặt tiền ra biển Đông của Việt Nam với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, Duyên hải miền Trung (DHMT) có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Đây là khu vực hội tụ đầy đủ các tài nguyên du lịch Việt Nam như biển đảo, sinh thái, văn hóa, núi rừng, đồng thời sở hữu nhiều di sản UNESCO và số lượng các bãi biển nghỉ dưỡng đẹp được quốc tế đánh giá cao.

Những năm qua, DHMT có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển khá nhanh và đồng bộ, với hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không thông suốt, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông – Tây khu vực Đông Nam Á và liên thông với quốc tế.

Sự tham gia của các hãng hàng không mới như Bamboo Airways mở nhiều đường bay kết nối các điểm du lịch miền Trung, hay việc đưa vào hoạt động nhiều tuyến cao tốc trọng điểm Đà Nẵng – Quảng Ngãi và các tuyến cao tốc Nha Trang – Phan Thiết, Bình Định – Nha Trang cũng đã đưa vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn đến năm 2021 góp phần đáng kể trong việc kết nối khách du lịch đến với miền Trung trở nên dễ dàng hơn.

Khu vực DHMT sở hữu số lượng lớn các bãi biển nghỉ dưỡng đẹp được quốc tế đánh giá cao

Dù hội tụ lợi thế hiếm có song nhìn chung, du lịch các tỉnh miền Trung nhiều năm nay vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác đến. Trong đó, hệ thống cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 – 5 sao của toàn Vùng chiếm 48,8% nhưng tập trung chủ yếu tại các địa phương trọng điểm là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa… Nhiều địa bàn có tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, đơn cử như ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, số lượng khu du lịch cao cấp và khách sạn 5 sao chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sự chênh lệch lớn này cho thấy du lịch miền Trung đang tồn tại “nút thắt” cần được tháo gỡ. Hầu hết các tỉnh thời gian qua chủ yếu phát triển du lịch theo chiều rộng, dựa vào việc khai thác thô các tài nguyên mà thiếu đi hạ tầng dịch vụ, các sản phẩm du lịch đồng bộ kết nối giữa các địa phương trong Vùng.

Động lực mới cho du lịch miền Trung

Hơn 3 năm trở lại đây, hạ tầng du lịch miền Trung đang dần “lột xác” nhờ sự xuất hiện của một số khu tổ hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư bởi các thương hiệu uy tín trong nước và khu vực.

Điển hình cho mô hình này có thể kể tới FLC Quy Nhơn, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao đầu tiên tại Quy Nhơn (Bình Định) do Tập đoàn FLC đầu tư, bao gồm hàng nghìn phòng khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế sức chứa lên tới gần 1.500 chỗ, sân golf 36 hố và hàng loạt tiện ích nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hiện đại. Đi vào hoạt động trong năm 2016, ước tính mỗi năm FLC Quy Nhơn đã đón hàng vạn lượt du khách đến nghỉ dưỡng, chơi golf, hội họp và tham gia các sự kiện văn hóa thể thao quy mô diễn ra hàng tuần.

 

Quần thể FLC Quy Nhơn là một điểm sáng về phát triển du lịch tại Quy Nhơn – Bình Định

Hiệu ứng của mô hình tác động rõ rệt khi thúc đẩy lượng du khách đến Quy Nhơn tăng mạnh, khiến số chuyến bay đến cảng hàng không Phù Cát tăng từ 3 – 5 chuyến mỗi ngày (trước 2017) lên 35 – 40 chuyến. Năm 2018, doanh thu từ du lịch tại Bình Định tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước, lên tới 3 nghìn tỷ đồng.

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn phát triển vùng DHMT, miền Trung hiện vẫn đang trong quá trình phát hiện ra năng lực đích thực của mình; đang tìm tòi và khẳng định cách phát triển phù hợp.

Nhưng con đường phát triển du lịch, nhất là du lịch cao cấp để tương xứng với nguồn tài nguyên du lịch hạng nhất không phải là điều dễ dàng giữa bối cảnh cạnh tranh phát triển ngày càng gay gắt và sự biến đổi của khí hậu. Để khai thác tối đa tiềm năng  và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch miền Trung cần phải có một tầm nhìn chiến lược dài hạn cùng sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, sự quyết tâm của các địa phương, đặc biệt không thể thiếu nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn với các sản phẩm du lịch chất lượng xứng tầm quốc tế.